Friday, February 1, 2013

Lạm bàn về Tết

Tết.  Đó là một khái niệm cực kỳ Truyền Thống. Mà đã là truyền thống, tức là nó đã có khởi nguồn, có lịch sử, có quá trình thải loại, biến đổi và hoàn thiện.

Tết có từ bao giờ?

Tết Âm Lịch, Tết Nguyên Đán, Tết Ta... Tôi chỉ đơn giản gọi đó là Tết!



Rõ ràng, nó rất khác so với ngày 1.1 dương lịch, cái ngày đó, ông bạn Philip bên Canada của tôi cũng gọi là Tết, nhưng đó là Tết của ổng, không phải của tôi. Tại vì từ ngày sinh ra đời, không phải, từ khi còn là bào thai ngọ nguậy trong bụng mẹ, tôi đã được hưởng không khí của ngày Ông Công Ông Táo, của những đào, những quất, những Tháng Chạp Tháng Giêng, chứ không phải là Christmas Eve, càng không phải là New Year Party, không có Auld Lang Syne trong đêm giao thừa.

Đã có lần tôi tự hỏi, "Tết có từ bao giờ?". Google thấy hơn 17 triệu kết quả. Tựu trung lại, âu cũng là "nhờ" cái anh Trung Quốc.

Cái anh Trung Quốc có Tết từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế (tức là thời sơ khai của xứ sở Trung Hoa, khoảng gần 3000 năm trước Công Nguyên gì đó). Hơn 1000 năm Bắc Thuộc, dân Việt bị đồng hoá mọi mặt, đặc biệt là văn hoá. Chữ của ảnh là chữ của ta, trang phục của ảnh là trang phục của ta, Tết của ảnh cũng thành Tết của ta luôn. 1000 năm là một con số không hề nhỏ, bởi vậy, đừng hỏi tại sao ta lại cứ bị "giông giống" ảnh.
Đấy, khởi nguồn thì là thế. Có điều, người Việt Nam có sức sáng tạo vô cùng lớn, cộng thêm với những đức tính mà chỉ có một quốc gia trải qua hàng ngàn năm đấu tranh giành tự do độc lập mới có được, vậy nên ta có thể tự tin mà nói,  ta "hoà nhập chứ không hoà tan", và Tết bây giờ, ấy là Tết của Ta, chứ không phải của ảnh. Từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 21, ta đã có kha khá thời gian để tạo nên sự khác biệt ấy.
Thế có thải loại không, có biến đổi không, có hoàn thiện không? Có!
Bạn không tin? Thử đọc truyện cổ tích mà xem. Sự tích bánh chưng bánh dày. Sự tích cây nêu ngày Tết. Rất nhiều sự tích khác của các dân tộc khác trên đất Việt. Đấy chính là khác biệt. Anh Trung Quốc ảnh có "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh" không? Chắc chắn không rồi.Đó là điều mà không chỉ tôi, bạn, mà cả thế giới đều phải công nhận!
Tết. Đấy không chỉ là một khái niệm một ngày Lễ. Đấy còn là cả một sự huyền bí về mặt tâm linh. Tại sao lại chọn Tết vào tháng Giêng mà không phải tháng Chạp tháng Hai? Sao người ta lại nhất nhất làm cỗ cúng gia tiên? Sao người ta lại đi chùa, đi chiền? Sao người ta lại phải dặn con cháu "Mồng 1 Tết Cha, Mồng 2 Tết Mẹ, Mồng 3 Tết Thầy"?
Theo một số tài liệu tôi đọc được, tháng 11 Âm Lịch là tháng Tí, tháng sinh Thiên, tháng 12 là tháng Sửu, sinh Địa. Tháng Giêng chính là tháng Dần, tháng sinh Nhân. Tết, lấy Con Người làm gốc. Tất cả những nghi lễ, cúng bái, thăm hỏi, đều theo đó mà làm.

Đó, chính là TRUYỀN THỐNG!

Thế đã là truyền thống, thì có thể thay đổi không?
Có chứ, khi văn hoá phát triển đến một GIAI ĐOẠN NHẤT ĐỊNH, truyền thống cũng sẽ ít nhiều biến đổi để phù hợp với nền văn hoá ấy. Tuy nhiên, biến đổi và hoàn thiện HOÀN TOÀN không có nghĩa là BỎ PHẮT.
Nhìn trên phương diện LỄ, ai muốn làm việc không cần nghỉ Tết, đó là việc của họ, họ thích giao thương với quốc tế, họ thích cho con cái đi học để lấy thêm kiến thức, họ thích cái đếch gì đó, tôi không quan tâm.
Nhưng nếu đứng ở góc độ TÂM LINH, rõ ràng không thể thắp hương bảo ông TÁO là "Ông chịu khó lên chầu Ngọc Hoàng trước 1 tháng vậy, ông nhé, vì Tết Âm Lịch con còn bận đi... giao thương!". Thể nào cũng bị vật sùi bọt mép!
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nói đến đây, lại muốn thở dài một cái. Thời gian vừa rồi, dân tình xôn xao gạch đá đối với ý kiến đòi bỏ Tết này ăn Tết khác...
Tôi vốn là kẻ vô thần vô thánh, thỉnh thoảng cũng sính ngoại ra phết. Đối với cúng bái lễ nghi, tôi chỉ biết những thứ mà người Việt nào cũng biết. Đối với lịch sử dân tộc, cố lắm cũng chỉ lõm bõm được chút kiến thức chẳng thấm vào đâu.
Tôi cũng hiểu được phần nào tâm lý của những người muốn đột phá, muốn cải cách, muốn chứng tỏ với đời điều gì đó. Họ, những GSTS học cao hiểu rộng, tuổi đời thì gấp mấy lần bọn trẻ ranh 8X, 9X chúng tôi, họ nói những điều đó, đương nhiên có lý của họ.
Ấy cơ mà, tôi chỉ băn khoăn, nền văn hoá hiện nay đã phát triển đến cái giai đoạn đấy chưa? Ở nhà họ, họ đã bỏ bàn thờ Gia Tiên ông bà đi chưa? Nhà có tang họ có bỏ áo xô mặc áo đen không? Cưới vợ cho con, họ có thôi cái việc đi xem bói xem có hợp tuổi hợp mệnh, can nọ chi kia đi không? Nếu không, tức là văn hoá này vẫn còn phù hợp, vẫn chưa đến giai đoạn mà truyền thống cần phải thay đổi đến mức hoảng hồn như thế.
Không kìm được, lại thở dài cái nữa:-
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
À, nghe đâu có vị độc giả của tờ báo nọ, bảo rằng phải thay quốc phục của phụ nữ Việt Nam từ áo dài thành áo yếm, tức là cái yếm đào ấy mà. Vị độc giả ấy cho rằng áo dài mỏng quá, "kích dục" quá, lại còn tên là "áo dài", chả có gì đặc biệt. Vị ấy vin vào rằng, cô hoa hậu kia mặc áo dài mà như không mặc, cô ca sĩ nọ mặc áo dài cách tân với quần bò, với boots cao, làm vị ấy càng ghét tà áo dài.
Ừ thì, vị cũng có cái lý của vị.
Cơ mà không biết vị có biết không, cái yếm đào, đích thị là cái áo lót!
Tổ sư đời, TRUYỀN THỐNG cần phải biến đổi, quốc phục của Việt Nam là cái áo lót phụ nữ!
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
- Nhox 01.02.2013 -
P.S: Lạm bàn tí cho ngày bớt ngắn, cho người bớt vô tình với nhau. Chứ đời còn dài, còn nhiều cái phải ngẫm lắm! Chúc cả nhà về quê ăn Tết vui, khoẻ, an toàn nhé:X

0 comments:

Post a Comment