Saturday, October 13, 2012

Cuối tuần kể chuyện Miền Tây

Cuối tuần rồi. Nhím bé bảo cứ cuối tuần là tui trở nên đáng yêu kỳ lạ. Chắc vì thoát khỏi vòng kìm kẹp của mọi thứ của nợ rắc rối cuộc đời.

Tuần này đi miền Tây mấy hôm. Đi về rồi, bây giờ kể chuyện miền Tây.



Ra khỏi sân bay quốc tế Cần Thơ, xe men theo QL1 về Bạc Liêu. Trên đường cơ man nào là trái cây, nhiều vô số và rẻ đến mức các bà các cô hay đi chợ sẽ phải hét ầm lên vì bất ngờ, sau đó cố công gồng sức gom được bao nhiêu hay bấy nhiêu, mua sạch cả sạp mà vẫn chưa hết tiền. Nào là dứa (trong đó gọi là "khóm"), dừa (mỗi quả dừa to phải chứa cả lít nước, ngọt mát vô cùng), dưa hấu, xoài (còn trĩu trịt trên cuống), cóc, sơ-ri... Thanh long và quả lựu chỉ bán để người ta đem về chưng trên ban thờ, chứ chả ai ăn. Trái cây miền bắc, chỉ có trái vải là được dân ở đây ưa chuộng và có giá khá đắt. Sầu riêng, măng cụt, mít, chôm chôm ê hề, nhìn đã thấy chộn rộn hết cả người vì thích.

Hết địa phận Cần Thơ là đến Sóc Trăng. Chỗ này đặc sản chỉ có bánh pía. Bánh pía Sóc Trăng khác với thứ bánh mà người ta đóng gói bán ở Hà Nội bây giờ. Nó nồng mùi sầu riêng hơn nhiều. Sầu riêng tươi, thơm ngây ngất, bánh vị đậm, trứng mặn mềm mềm bùi bùi. Ăn miếng bánh pía, uống cốc trà nóng, thật là thiên đường!

Về đến Bạc Liêu, người tài xế nói rằng đây chả có đặc sản gì cả đâu, nhưng hải sản thì vô khối, thứ gì cũng có. Suốt hơn một ngày lưu lại Nhà khách Tỉnh Ủy Bạc Liêu, tôi được chiêu đãi toàn là hải sản. Tôm, mực, bề bề, cá kèo, cá nâu, cá đỏ dạ, lươn... Vị ngòn ngọt đặc trưng của thức ăn vùng Nam Bộ hấp dẫn tới nỗi dù với cái dạ dày thủng lỗ chỗ, tôi vẫn không thể cưỡng lại mà thưởng thức mỗi thứ một chút. Ăn đến bữa thứ ba, thì đi đâu cũng thấy da thịt mình dậy mùi hải sản!!!
Ở Bạc Liêu, tôi được đi thăm Quan Âm Phật Đài Nam Hải, tượng Quan Âm sừng sững mặt hướng ra biển, xung quanh là các vị phật nhỏ và Hộ Pháp trấn hải. Mùi hương ở đây không trầm ấm như hương Bắc, mà thơm thơm thoang thoảng mùi nước hoa, chả hiểu họ tẩm ướp ra sao?! Hương Bắc tạo cảm giác thanh tịnh, ấm áp, bình yên, thì hương ở đây lại có cái gì đó rất là mộc mạc, gần gũi...
Biển Bạc Liêu không phải biển du lịch, người ta sẽ chẳng thể nào thò chân xuống đó được, vì toàn "sình":D
Đi thăm dinh thự của Công tử Bạc Liêu, người đàn ông đã làm nên tên tuổi của miền đất này, tôi bị choáng ngợp không phải vì sự lộng lẫy của nó, mà vì những giai thoại người ta thêu dệt quanh nó. Chuyện kể rằng công tử Bạc Liêu tên thật là Trần Trinh Huy, nhờ vào lượng tài sản khổng lồ của cha ông, một vị chủ điền lớn thời đó, mà sống như một ông hoàng. Chả rõ Trần gia giàu đến đâu, mà vị Hắc Công Tử này sẵn sàng đốt tiền giấy tìm một đồng xu con cho người đẹp của mình. Ông cũng là người đầu tiên sở hữu máy bay riêng (chứ chả phải Bầu Đức như ngày nay người ta vẫn tưởng). Người ta bảo, vì cha ông lừa cướp đất của nhà chùa, nên hậu duệ của ông đến nay đều phải sống khổ cực. Chả rõ có phải vậy không, nhưng đúng là tới nay con trai ông Ba Huy vẫn đang chạy xe ôm ở Sài Gòn kiếm sống...

Trở về lại Cần Thơ, đêm hôm đó tôi được ăn no món cá lóc. Ngoài bắc hình như gọi là cá quả. Thịt chắc, thơm và ngọt, rau ăn kèm thì vô thiên lủng, từ lá xoài cho đến các loại rau thơm, có cả bánh tráng phơi sương, đặc sản Tây Ninh. Chắc sau chuyến đi này, còn lâu nữa tôi mới ăn nổi hải sản...
Tờ mờ sáng hôm sau, bất chấp làn sương mờ ảo giăng trên sông Cái Răng, tôi vẫn phải cố ra ngó nghiêng xem, chợ nổi ra làm sao.
Đi ghe xuôi trên sông, có đến hàng trăm ghe xuồng, hầu hết đều bán trái cây, đúng là vựa trái cây của Việt Nam. Người ta gần như sinh hoạt luôn trên ghe, ăn uống, tắm rửa. Có ông chủ ghe điềm nhiên múc nước sông lên để đánh răng buổi sáng, trong khi trước đó vừa đi qua 1 nhà vệ sinh kiểu..."cầu tõm". Sống thế, mà họ trông vẫn vạm vỡ, khỏe mạnh rắn chắc, từ người lớn tới trẻ con.Trong khi đó, ở Hà Nội, một tí bẩn thôi là người ta ngộ độc, người ta vào nằm viện, người ta tốn cả mấy triệu tiền thuốc men. Thế mới biết, ở đâu quen đó là vậy.

Câu chuyện cuối cùng, tôi kể về con gái Miền Tây.

Đàn ông ở đây nói, con gái miền Tây được cái dáng. Khuôn mặt với làn da thì chưa biết, chứ dáng các cô các bà vùng này đẹp thôi rồi. Tại vì sao mọi người biết không? Là vì họ... làm biếng. Họ không có làm việc, mà chỉ suốt ngày đi tập thể dục, chăm sóc sắc đẹp dáng vóc mà thôi. Kiếm tiền là việc của đàn ông, kiếm nhiều họ xài nhiều, kiếm ít thì họ bỏ đi theo đàn ông khác. Có ông kể, vợ chồng đã có với nhau đến 5 mặt con, mà ông còn bị vợ bỏ vì không kiếm đủ tiền. Bù lại, thì phụ nữ ở đây chiều chồng như ông trời, muốn gì có đó, chồng có mắng, có đánh thì vẫn "dạ" ngọt xớt, cười tươi như hoa, giọng thì rủ rỉ rù rì như rót mật vào tai. Bảo sao mà nhiều đàn ông Bắc cứ vào đến đây là như bị bỏ bùa, chả đi đâu được nữa.

Chuyện cuối tuần, kể thế thôi. Hôm nào đó có thời gian, và có hứng, tôi sẽ lại kể chuyện miền Trung, miền Bắc, những nơi tôi đã đi qua, đã lưu lại, đã trở thành những phần kỷ niệm quý giá trong tôi.

Ừ thì, cuộc đời nên là những chuyến đi...

- Nhox 13.10.2012 -

P.S: Vẫn chưa được thử món "cà phê võng" >:). Lần sau có dịp vào sẽ thử;))

0 comments:

Post a Comment